Thân thế Ô_Lạt_Na_Lạp_A_Ba_Hợi

A Ba Hợi xuất thân Ô Lạt Na Lạp thị danh tiếng của Hải Tây Nữ Chân. Cha bà là Bối lặc Mãn Thái, thủ lĩnh của bộ quốc. Năm Vạn Lịch thứ 29 (1601), A Ba Hợi kết hôn với Nỗ Nhĩ Cáp Xích khi vừa tròn 12 tuổi.[2] Bà trẻ tuổi, lại có nhan sắc nên trở thành sủng thiếp của ông.[3]

Sách Thanh sử cảo cùng Ái Tân Giác La gia phả đều nói là năm Vạn Lịch thứ 30 (1603), Diệp Hách Na Lạp Mạch Cổ Triết Triết - Đại Phúc tấn thứ ba của Nỗ Nhĩ Cáp Xích qua đời, A Ba Hợi được lập làm Đại Phúc tấn thay thế, còn được gọi là Đại phi (大妃).[4][5] Bà lần lượt sinh cho Nỗ Nhĩ Cáp Xích ba người con trai: A Tế Cách, Đa Nhĩ CổnĐa Đạc.[3] Cả ba người con đều rất được Nỗ Nhĩ Cáp Xích thương yêu, khoảng năm 1620 đến 1625, ông đã giao Chính Hoàng kỳ cho A Tế Cách và Đa Nhĩ Cổn, một nửa Tương Hoàng kỳ cho Đa Đạc, cả hai kỳ vốn chịu sự quản lý trực tiếp của Đại Hãn.[3]

Năm Thiên Mệnh thứ 5 (1620), căn cứ Mãn văn lão đương (满文老档) ghi chép lại, Thứ phi của Nỗ Nhĩ Cáp Xích là Đức Nhân Trạch tố cáo Đại phúc tấn cùng con thứ của Nỗ Nhĩ Cáp Xích là Bối lặc Đại Thiện có quan hệ ám muội, sau Đại phúc tấn bị phế truất và xử tử.[6] Trong sử, người đó là Phú Sát Cổn Đại, nhưng một số ý kiến cho rằng đó là A Ba Hợi[7]. Từ đây, các Phúc tấn dời từ Sarhū đến Liêu Đông, khi này vẫn xuất hiện ghi chép về Đại phúc tấn.[8] Nếu vị "Đại phúc tấn" ấy chính là Cổn Đại, thì có thể việc A Ba Hợi được phong Đại Phúc tấn là do Thanh sử cảo cùng Ái Tân Giác La gia phả ghi chép sai lầm.

Theo nhà nghiên cứu Từ Quảng Nguyên, các nguyên nhân chính khiến các nhà sử học nhận định rằng vị "Đại phúc tấn" này là A Ba Hợi gồm:[9]

  • Tuổi tác: Thực tế vào thời điểm xảy ra án này, Kế phi Phú Sát Cổn Đại đã lớn tuổi, trong khi tuổi tác của A Ba Hợi và Đại Thiện lại xấp xỉ nhau. Theo tính toán một cách tương đối, đến năm Thiên Mệnh thứ 5 (1620), Phú Sát thị đã khoảng ngoài 50 tuổi, trong khi A Ba Hợi chỉ mới 31 tuổi, còn Đại Thiện thì cũng chỉ 38. Khả năng người có quan hệ ám muội với Đại Thiện là A Ba Hợi cao hơn hẳn.
  • Số lượng con cái: Theo những hồ sơ về việc xử phạt "Đại phúc tấn" có nêu rõ vị Đại phúc tấn này "có ba trai một gái".[10] Tuy nhiên, thông tin này không phù hợp với Phú Sát thị mà lại phù hợp với A Ba Hợi hơn. Theo ghi chép, sau khi tái giá thì Kế phi Cổn Đại sinh cho Nỗ Nhĩ Cáp Xích hai trai một gái; người con út của Nỗ Nhĩ Cáp Xích là Phí Dương Quả không có ghi chép về mẹ đẻ, mặc dù có người nghi ngờ là Kế phi Phú Sát thị nhưng không có bằng chứng xác thực, hơn nữa dựa theo tuổi tác của Phú Sát thị thì khả năng này không lớn; vì vậy số lượng con "ba trai một gái" không phù hợp với Phú Sát thị. Ngược lại, A Ba Hợi cũng chỉ sinh được ba người con trai, không hề có ghi chép về con gái. Tuy nhiên theo ghi chép trong bộ hồ sơ "Tinh nguyên tập khánh" của nhà Thanh, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã đưa con gái thứ hai của Khác Hi Bối lặc Đồ LuânTruân Triết vào cung nuôi dưỡng, đến năm 1612 thì phong làm Hòa Thạc Công chúa. Việc nuôi dưỡng Công chúa có khả năng lớn là do A Ba Hợi đảm nhiệm, vì vậy số lượng con "ba trai một gái" lại vừa phù hợp.
  • Thông tin về con cái: Cũng theo hồ sơ xử phạt Đại phúc tấn, vì "con trai con gái còn nhỏ tuổi, bị bệnh cần có mẹ chăm sóc" là một trong những nguyên nhân khiến Nỗ Nhĩ Cáp Xích giảm nhẹ hình phạt. Nhưng người con nhỏ tuổi nhất của Phú Sát thị là Mãng Cổ Nhĩ Thái đã thành niên, không thể phù hợp với nhận xét "con còn nhỏ tuổi, cần mẹ chăm sóc" của Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Ngược lại, trong các người con của A Ba Hợi, A Tế Cách 15 tuổi, Đa Đạc 7 tuổi, Đa Nhĩ Cổn và con gái nuôi Truân Triết đều 9 tuổi, tất cả đều là tuổi còn nhỏ, phù hợp với nhận xét của Nỗ Nhĩ Cáp Xích.
  • Tình tiết trong vụ án: Theo hồ sơ vụ án, một trong các chi tiết là "Đại phi" đem 300 cuộn vải sa tanh giấu trong nhà của A Tế Cách. A Tế Cách là con trai ruột của A Ba Hợi, việc đam giấu vật riêng tư của mình trong nhà của con trai ruột là một hành động hợp tình hợp lý. Nhưng nếu đổi lại là Phú Sát thị, bà không đem giấu ở nhà con trai ruột Mãng Cổ Nhĩ Thái lại đem đến nhà của A Tế Cách là một hành động không thể lý giải được.

Vì vậy, các nhà sử học hiện nay kết luận người bị Nỗ Nhĩ Cáp Xích trừng phạt lần này chính là A Ba Hợi. Tuy nhiên, chưa đầy một năm sau khi bị phạt, Nỗ Nhĩ Cáp Xích lại sủng ái A Ba Hợi như cũ.[11]

Liên quan